Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi sẽ bị xử lý


Những người có hành vi ép buộc trẻ em làm ăn xin, bán vé số, trộm cắp... để kiếm lời có bị pháp luật xử lý không, nếu có sẽ thế nào?
Ngân An

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 và khoản 2 Điều 4 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, hành vi bắt trẻ em, tập hợp, chứa chấp trẻ em, cho thuê, cho mượn trẻ em để đi lang thang kiếm sống, ăn xin hoặc thực hiện các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi là một trong những hành vi vi phạm quyền trẻ em, và nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền trẻ em, đặc biệt là với mục đích trục lợi đều phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Tùy thuộc vào mức độ, tính chất nghiêm trọng của hành vi, họ có thể bị xử lý hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.


Theo quy định tại Nghị định số 91/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý như sau:

Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi tập hợp, chứa chấp trẻ em lang thang để bán vé số, sách, báo, tranh, ảnh, bán hàng rong hoặc các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi” (khoản 3 Điều 10).

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số tiền có được do thực hiện hành vi quy định tại khoản 3 Điều này (điểm b khoản 4 Điều 10).

Đối với hành vi đánh đập, hành hạ, ngược đãi trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 91/2011/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị xử lý như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 1-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đánh đập, xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khoẻ đối với trẻ em;
b) Đối xử tồi tệ với trẻ em như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm; ngăn cản trẻ em tham gia hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng hợp pháp, lành mạnh;
c) Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
d) Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần;
đ) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần.

2. Phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tổ chức, bắt trẻ em đi xin ăn;
b) Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.
Tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Buộc cá nhân, tổ chức chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em do thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;
- Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khoẻ trẻ em; thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;
- Buộc cá nhân, tổ chức nộp lại số tiền có được do thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 Điều này;
- Buộc cá nhân, tổ chức chịu mọi chi phí để đưa trẻ em trở về với gia đình, gia đình thay thế hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em do thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 Điều này (khoản 3 Điều 13).

Ngoài ra, trong trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi ép buộc trẻ em thực hiện hành vi phạm tội, họ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp theo quy định tại Điều 252 Bộ luật hình sự.

Như vậy, để ngăn chặn việc một số cá nhân ép buộc trẻ em đi ăn xin, bán vé số, trộm cắp... để kiếm lời, bạn cần tố cáo hành vi phạm pháp luật của các cá nhân đó cho các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương biết để có thể kịp thời ngăn chặn, xử lý và đảm bảo an toàn cho các cháu.

Luật sư Nông Thị Hồng Hà
Công ty Luật Hồng Hà
Số 114, Phan Kế Bình, Ba Đình, Hà Nội.

1 nhận xét:

  1. - Buộc cá nhân, tổ chức nộp lại số tiền có được do thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.
    Khoản tiền này do ai xử lý và xử lý ntn?!

    Trả lờiXóa

© QuocNguyen