Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Luật BHXH - Nhiều bất cập cần sữa đổi

Sau hơn 6 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động vẫn chưa được bảo đảm; nhiều quy định đã phát sinh những bất cập, hạn chế, cần sớm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp…

1. Rắc rối  

Tại Điều 31, quy định về thời gian hưởng chế độ thai sản là từ 4 tháng đến 6 tháng tùy theo điều kiện lao động, công việc nặng nhọc. Tuy nhiên, nếu theo quy định mới từ 1-5-2013 thì thời gian nghỉ thai sản được quy định là chung là nghỉ 6 tháng chứ không quy định cụ thể mức trợ cấp thai sản phải tính theo 6 tháng.

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM cho biết, hiện nay cũng chưa có quy định những nữ lao động làm những công việc, ngành nghề nặng nhọc, độc hại… trong danh mục được quy định của Bộ LĐTB-XH và Bộ Y tế ban hành có được hưởng thời gian thai sản dài hơn 6 tháng hay không. Mặt khác, trong cách tính trợ cấp thai sản là theo tháng, nhưng một số văn bản lại quy định tính theo 30 ngày nên rất rắc rối, cần thống nhất là tính theo tháng.

Về phía cơ quan BHXH đề xuất những nữ lao động làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc sẽ được hưởng thời gian thai sản tương ứng để đảm bảo sự công bằng. Cụ thể, nếu làm việc trong điều kiện bình thường sẽ được hưởng thời gian thai sản 6 tháng; những người làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc sẽ được hưởng thời gian thai sản 7 tháng và riêng với lao động nữ khuyết tật sẽ được hưởng thời gian thai sản là 8 tháng. Riêng nữ lao động sinh từ 2 con trở lên, mỗi con sẽ được nghỉ thêm 1 tháng.

Theo quy định Khoản 2, Điều 114 của Luật BHXH, để được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn giao thông, người lao động phải cung cấp bản sao biên bản của công an giao thông. Nhưng trên thực tế rất khó thực hiện điều này vì không phải tất cả các vụ tai nạn giao thông đều có công an giao thông đến lập biên bản.

Mặt khác, theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM việc xác định chế độ thương tật khi bị tai nạn giao thông cũng không phải dễ. Theo luật, khi xác định thương tật ổn định mới được hưởng trợ cấp BHXH, nghĩa là trong giấy xuất viện không có chữ “tái khám”, còn nếu yêu cầu tái khám thì vẫn tính. Tuy nhiên, không một bệnh viện nào khi cho bệnh nhân xuất viện mà không yêu cầu “tái khám”. Người lao động khi không xin được giấy chứng nhận thương tật thì chuyển sang tính BHXH từ ngày ra giám định y khoa.
Tuy nhiên thời gian xin giám định lại do doanh nghiệp quyết định, rồi mới đưa ra hội đồng giám định y khoa. Để có quyết định của hội đồng này phải mất cả tháng, thậm chí có người mất cả năm. 

2. Dễ lách luật 

Một vấn đề khác, đó là chế độ tử tuất. Đây là khoản tiền cơ quan BHXH chi trả cho thân nhân người lao động đã chết. Do luật chưa quy định rõ thế nào là thân nhân của người chết, dẫn đến nhiều tranh chấp giữa đồng thân nhân nhận tử tuất của người lao động. Đã có nhiều tranh chấp về “thừa kế” chế độ tử tuất, thậm chí có người để lại di chúc chỉ định người thừa kế tiền tử tuất nhưng không thuộc đối tượng thân nhân nhận tử tuất theo quy định của Luật BHXH, khiến cơ quan BHXH lúng túng. Do đó, Luật BHXH cần phải định nghĩa rõ thế nào là thân nhân của người lao động và những ai được nhận trợ cấp tuất một lần sẽ tránh được các tranh chấp trong việc nhận chế độ tử tuất.

Mặt khác, luật cũng cần quy định lại mức hưởng theo hướng thân nhân người chết được quyền lựa chọn nhận tử tuất một lần hay hàng tháng. Lúc đó, thân nhân sẽ được lựa chọn quyền lợi cao nhất để được hưởng chế độ tử tuất. Vì trên thực tế, hầu hết thân nhân đều lách luật để được nhận mức tử tuất có lợi nhất ví dụ như con đang học thì khai đã nghỉ, cha mẹ già thậm chí khai “đã mất”… Bên cạnh đó, tại Điều 35, quy định mức hưởng trợ cấp thai sản bằng 100% mức tiền công, tiền lương đóng BHXH 6 tháng liền kề trước khi nghỉ nên dẫn đến thực không ít người khi biết mình có thai mới đi đóng BHXH hoặc đóng một cách cao bất thường để được hưởng BHXH và trợ cấp thai sản.

Từ kẽ hở này mà trên thực tế đã xuất hiện những công ty chuyên tuyển nữ lao động mang thai để trục lợi. Điển hình là vục việc ở Trà Vinh xảy ra năm 2012: "Công an tỉnh Trà Vinh vừa quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Đoàn Văn Cuống, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Online do có dấu hiệu của hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua việc “tuyển dụng ảo các bà bầu” rồi làm thủ tục đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm trục lợi từ chế độ thai sản. Đây quả là một “điển cứu” đáng suy ngẫm cho các nhà làm luật để lấp khoảng trống “khe hở của pháp luật”.

Nhờ có thời gian công tại tại một cơ quan BHXH, Cuống nắm chắc qui định, trình tự, thủ tục, nên đã “đầu tư” tìm những phụ nữ đang mang thai, thuyết phục họ lập hồ sơ thai sản “ảo” với lời hứa “trả công” xứng đáng. Sau khi hợp thức hóa thủ tục và đóng BHXH vừa đủ 6 tháng theo luật định cho các bà bầu, thông qua hoạt động của công ty, Đoàn Văn Cuống đã hưởng trót lọt chế độ thai sản hơn 150 triệu của BHXH Trà Vinh. 

Một vụ “chiếm đoạt tài sản” với giá trị không lớn, nhưng vấn đề là người này biết lợi dụng “khe hở pháp luật”, cụ thể là qui định tại Khoản 2 Điều 28 Luật BHXH về “đóng bảo hiểm từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi” và điều kiện hưởng chế độ thai sản. Các chuyên gia cho rằng, nếu loại trừ hành vi “gian dối” - lập hợp đồng tuyển dụng giả, khi 1 công ty đóng đủ 6 tháng BHXH cho người lao động theo luật định, thì BHXH phải chi trả chế độ thai sản. Một bài toán đơn giản, nếu công ty đóng BHXH cho nhân viên với mức kịch trần khoảng 16 triệu đồng/tháng, thì họ sẽ được nhận 16 triệu x 4 tháng = 64 triệu đồng và các chế độ kèm theo như: Trợ cấp một lần khi sinh bằng 2 tháng lương tối thiểu; sau 1 năm công ty sẽ có thêm khoản trợ cấp BHXH một lần, mức lãnh là 1,5 tháng lương cơ bản (24 triệu đồng)... Như vậy, chỉ cần đầu tư ít “vốn”, sau 6 tháng sẽ hưởng khoản siêu lợi nhuận.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội đã từng ví von: “Làm luật khó như làm xúc xích“. PGS.TS Phạm Duy Nghĩa thì cho rằng: “Vốn chỉ quen với giò lụa, nay phải làm luật cho ngôi làng toàn cầu, người nước ta chắc phải nắm bắt lấy những kỹ nghệ tân tiến mà sản xuất ra các quy phạm có giá trị dùng chung, mang tính khái quát cao, dễ hiểu và tự nhiên đi vào lòng người tới mức chẳng những dân ta mà người ngoại quốc cũng vui lòng cung kính mà tuân thủ”. Dù “giò lụa” hay “xúc xích”, thì hơn cả “cái ngon” là yêu cầu đảm bảo “an toàn vệ sinh thực phẩm”. “Những khe hở pháp luật” tương tự câu chuyện trên cho thấy, cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng làm luật và qui phạm pháp luật của chúng ta trước yêu cầu tội phạm ngày càng tinh vi, “có kiến thức” để sẵn sàng lợi dụng những khe hở đó để trục lợi". Do vậy để tránh các hành vi trục lợi, cần phải quy định mức hưởng trợ cấp thai sản bằng 100% mức tiền công, tiền lương đóng BHXH 9 tháng liền kề trước khi nghỉ việc."

Có một thực tế, các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của Luật BHXH để trốn đóng BHXH. Cụ thể, theo Luật BHXH thì tiền lương, tiền công hàng tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trên hợp đồng lao động. Tuy nhiên, để giảm số tiền đóng BHXH, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách khai mức lương thấp, thậm chí có doanh nghiệp chỉ tham gia đóng BHXH cho người lao động theo mức lương tối thiểu. Cái này đại đa số (mình không nói là tất cả nhưng hầu như là vậy, kể cả DN của mình hiện nay vẫn làm như vậy :( ).

Một trong những kẽ hở được cho là bị lách luật nhiều nhất là quy định về hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Bởi chính định nghĩa về người thất nghiệp là người “mất việc” hoặc “nghỉ việc” nên không ít người lao động đã đã xin nghỉ việc để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mình trích bài bên http://molisa.gov.vn làm dẫn chứng.

2.1 Chủ động… thất nghiệp

Mới sáng sớm nhưng tại điểm đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ở 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh) đã có hàng trăm người đến làm thủ tục xin hưởng trợ cấp BHTN. Trong dòng người đang được cán bộ ở đây hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ, chúng tôi nhận thấy một người quen tên Hoa hiện đang làm cho một công ty nước ngoài tại quận 1. “Sao lại thất nghiệp thế?” - tôi hỏi. “Dạo này công ty cũng khó khăn nên xin thất nghiệp để thêm ít tiền đổi con xe” - Hoa nói. Thấy tôi có vẻ chưa hiểu, Hoa giải thích thêm về trường hợp của chị bạn vừa làm BHTN được mấy chục triệu nên Hoa cũng xin sếp cho… thất nghiệp để được hưởng BHTN. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do có mức lương khá cao nên mức hưởng TCTN của Hoa trên 16 triệu đồng/tháng. Như vậy, với 3 tháng hưởng BHTN, chị được hưởng gần 50 triệu đồng. Một số tiền mà ngay cả người không thất nghiệp cũng không dám mơ tới!

Không riêng gì các lao động trình độ cao, hiện nhiều công nhân cũng đổ xô xin nghỉ việc để hưởng TCTN. Tại Văn phòng BHTN chi nhánh Bình Tân, chị Hồ Thị Soa, công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo cho hay, thấy bạn bè mách nước chị xin chấm dứt hợp đồng lao động với công ty cũ đã làm việc hơn 10 năm để chuyển sang làm cho một công ty khác cùng khu công nghiệp. Mặc dù đã có công việc mới nhưng chị vẫn đăng ký hưởng BHTN. Bởi theo chị, quyền lợi thì mình cứ hưởng. “Ở đây hầu hết là lao động phổ thông, làm sao có thể thất nghiệp được khi công ty nào cũng kêu thiếu lao động? Nếu thất nghiệp, chúng tôi lấy đâu ra trả tiền nhà, tiền ăn hằng ngày? Nếu việc đăng ký thuận lợi, tôi sẽ rủ thêm mấy người bạn nghỉ việc đi đăng ký… thất nghiệp” - chị Soa vô tư kể.

Một cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại điểm đăng ký BHTN ở số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh cho biết, bình quân mỗi ngày có gần 300 người đến đăng ký. Đầu tháng hay đầu tuần, số lượng người đến đăng ký thất nghiệp tăng đột biến lên trên 500 người…

2.2 Bắt tay trục lợi?

Lý giải nguyên nhân lao động đăng ký hưởng BHTN tăng, ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM cho rằng, do chính sách và điều kiện hưởng BHTN thông thoáng, dễ dàng hơn trước. Thủ tục hành chính cũng nhanh gọn từ đăng ký đến nhận tiền hằng tháng (qua thẻ ATM). Tuy nhiên, bên cạnh những người thất nghiệp thật sự do nhiều doanh nghiệp (DN) giải thể, cũng không loại trừ lao động chủ động xin nghỉ việc để được hưởng BHTN. Đây rõ ràng là hành động trục lợi nhưng không xử lý được vì họ vẫn làm đúng luật và cũng không phải là thất nghiệp ảo mà là người lao động chủ động thất nghiệp.

Hiện tượng bất thường này cũng được ông Điều Bá Được, Trưởng ban Chính sách thực hiện bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), đặt vấn đề “phải xem xét và nghiên cứu” bởi không loại trừ thất nghiệp ảo để trục lợi. Ví như người lao động có mức lương 2 triệu đồng/tháng, khi đóng BHTN chỉ mất 240.000 đồng/năm, DN đóng 240.000 đồng/năm. Trong khi đó, nếu người lao động mất việc, nghỉ việc, DN không phải trả trợ cấp nửa tháng lương/năm (1 triệu đồng) và người lao động được nhận TCTN 3 tháng x 60% lương (3,6 triệu đồng). Chính vì “quyền lợi” này mà nhiều người lao động không thất nghiệp vẫn đăng ký hưởng TCTN. Còn về phía các DN, khi thỏa thuận làm quyết định, hay xác nhận cho người lao động mất việc, nghỉ việc, DN sẽ không phải đóng các chế độ BHXH cũng như không phải chi trả trợ cấp nửa tháng lương/năm công tác. Như vậy, cả DN và người lao động đều có lợi.

Một đại diện của BHXH Việt Nam cũng thừa nhận, hiện tượng thất nghiệp ảo là có và không ít người chủ động mất việc làm nhưng lại vẫn được thanh toán BHTN. Trong khi đó, những người thất nghiệp thực sự do các DN phá sản lại thường nợ BHXH, BHTN lại không được hưởng chính sách do không đủ hồ sơ. Đây là vấn đề đáng lo ngại. Nếu không quản lý tốt sẽ dẫn tới những kẽ hở, tiếp tục tạo điều kiện cho người lao động lạm dụng để trục lợi

QuocNguyen
Theo: nhiều nguồn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

© QuocNguyen